Tại Tọa đàm về phối hợp triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” tại TP.HCM tổ chức sáng ngày 22/4, các đại biểu đã nêu rõ những giải pháp cơ bản, trọng tâm để thực hiện hiệu quả nền tảng “Bình dân học vụ số”.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Phong trào “Bình dân học vụ số” là sáng kiến nhằm phổ cập kiến thức công nghệ số đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người ít có cơ hội tiếp cận với công nghệ như người cao tuổi, nông dân, công nhân, người lao động tự do và cư dân vùng sâu, vùng xa. Phong trào được triển khai trên toàn quốc nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nhằm cụ thể hóa phong trào, sáng ngày 22/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP.HCM phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Phối hợp tổ chức triển khai phong trào ‘Bình dân học vụ số’ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các chuyên gia công nghệ, giáo dục, các doanh nghiệp, cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Thành Trung (Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM) nhấn mạnh, phong trào “Bình dân học vụ số” kế thừa tinh thần “xóa mù chữ” của phong trào “Bình dân học vụ” từ những năm đầu cách mạng, nhưng trong một bối cảnh hoàn toàn mới – kỷ nguyên số hóa và công nghệ 4.0. Trong bối cảnh ấy, “xóa mù số” cho người dân là một nhu cầu bức thiết nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng với các dịch vụ số, nâng cao chất lượng sống và rút ngắn khoảng cách số trong xã hội. Phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ là một quá trình giáo dục cộng đồng lâu dài, có kế hoạch, có cơ chế và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Ông Nguyễn Thành Trung (Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM) phát biểu tại sự kiện.
TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế, trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, có trách nhiệm đi đầu trong việc thí điểm, nhân rộng các mô hình học tập công nghệ cho cộng đồng, đặc biệt tập trung vào nhóm người yếu thế. TP.HCM xác định, triển khai “Bình dân học vụ số” không chỉ là trách nhiệm, mà là cơ hội để gắn kết chuyển đổi số với đời sống thường ngày của người dân.
Về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở, nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị trong việc tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo ông Thắng, TP.HCM đang có cơ hội vàng khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15, trao cho Thành phố những cơ chế, chính sách đặc thù. Đây là công cụ đặc biệt giúp Thành phố đi đầu thực hiện các mục tiêu lớn của Nghị quyết 57. Phong trào “Bình dân học vụ số” vì vậy không chỉ nhằm xóa mù công nghệ mà còn hướng đến phổ cập kỹ năng số cơ bản, giúp người dân tự tin tham gia không gian mạng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tận dụng công nghệ để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế.

Ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại sự kiện.
Trong phiên thảo luận tại Tọa đàm, nhiều mô hình đã được đề xuất để triển khai hiệu quả phong trào “Bình dân học vụ số”. Cụ thể như: thành lập các đội hình “Bình dân học vụ số” do thanh niên làm nòng cốt; tổ chức các lớp học miễn phí hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, truy cập internet, sử dụng các ứng dụng thiết yếu như thanh toán điện tử, đăng ký dịch vụ công trực tuyến; thành lập Ban điều phối phong trào tại từng địa bàn, với sự tham gia của UBND, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã; tổ chức các lớp học, mời chuyên gia giảng dạy; triển khai các hình thức học tập tại chỗ, học qua tổ chức đoàn thể, học qua mô hình “mỗi người biết – dạy một người chưa biết”; phát triển kho học liệu mở – bao gồm video hướng dẫn, infographic, bài giảng số – để người dân có thể học mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng được hỗ trợ tại nhà văn hóa khu phố…

Ông Văn Chí Nam (Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh) trao đổi tại sự kiện.

Đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố phát biểu tại Tọa đàm.
Qua thảo luận và chia sẻ từ thực tế triển khai tại các địa phương, kế hoạch phối hợp triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” tại TP.HCM chủ yếu tập trung vào ba trụ cột chính:
Thứ nhất, về tổ chức thực thi tại cơ sở, chính quyền địa phương cấp quận, huyện, phường, xã sẽ là lực lượng chủ lực trong điều phối các lớp học, xác định đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, lao động phổ thông, người khuyết tật, học sinh – sinh viên thuộc hộ nghèo,… Đồng thời, các tổ dân phố, tổ chức Mặt trận tại khu dân cư sẽ là cánh tay nối dài để vận động và kết nối người dân tham gia.
Thứ hai, về chuyên môn và nội dung đào tạo, các sở, ngành liên quan cần phối hợp xây dựng khung chương trình huấn luyện “căn bản – thiết thực – dễ tiếp cận”, bao gồm kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh, tra cứu thông tin hành chính, thanh toán điện tử, tra cứu dịch vụ công, đăng ký khám bệnh trực tuyến, gọi xe công nghệ, dùng ứng dụng ngân hàng, an toàn thông tin, sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm… đồng thời, điều chỉnh nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Thứ ba, về nhân lực và truyền thông, các đoàn thể sẽ xây dựng lực lượng tình nguyện viên, trong đó lực lượng thanh niên, sinh viên được xem là “hạt nhân chuyển giao tri thức số”. Đồng thời, Đài Truyền hình, báo chí, hệ thống loa truyền thanh, fanpage địa phương… sẽ đảm nhận công tác truyền thông thường xuyên, sâu rộng để nâng cao nhận thức toàn xã hội. Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố sẽ tiếp tục vận động nhân dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, duy trì hoạt động truyền thông và thu thập phản hồi của người dân trong việc sử dụng Ứng dụng VNeID, App Công dân số TP.HCM.

Đại diện Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố phát biểu tại sự kiện.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM sẽ đảm nhận công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, giám sát thực hiện và đề xuất cơ chế khen thưởng. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung thiết kế học liệu số, tổ chức các hoạt động đào tạo, tọa đàm, ngày hội học tập kỹ năng số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục cộng đồng.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”.
Từ buổi Tọa đàm sáng 22/4, có thể thấy rõ quyết tâm chính trị và tinh thần hợp tác cao của các bên liên quan trong việc triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”. Phong trào không đơn thuần là một hoạt động học tập, mà là lời cam kết về một tương lai nơi mọi người dân đều có năng lực làm chủ công nghệ – nền tảng cho một xã hội số toàn diện, nhân văn và phát triển bền vững.
Minh Nhã (CESTI)