Về đào tạo
Ngành đào tạo chính của khoa là CNTT (đại học và thạc sĩ) và CNTT chương trình chất lượng cao (đại học). Chương trình đào tạo đại học ngành CNTT được bắt đầu vào năm học 2010-2011 dựa trên khung chương trình đào tạo của Hiệp hội Khoa học máy tính (ACM-Association for Computing Machinery) với sự phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và liên tục được cải tiến định kỳ sau đó. Chương trình đào tạo ngành CNTT đã đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế AUN-QA vào năm 2018. Trên cơ sở đó, chương trình đào tạo ngành CNTT chương trình chất lượng cao cũng đã được triển khai từ năm 2016.
Chương trình đào tạo đại học ngành CNTT đào tạo sinh viên trở thành những kỹ sư CNTT chất lượng cao có đạo đức, kiến thức và kỹ năng giao tiếp tốt để tạo ra những sản phẩm và giải pháp CNTT, có thể đảm nhận nhiều vị trí nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT, thăng tiến đến vị trí lãnh đạo, khả năng nghiên cứu hoặc tiếp tục học cao hơn trong lĩnh vực này.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học ngành CNTT sẽ có các khả năng sau:
- Quản trị hệ thống CNTT của một tổ chức hay doanh nghiệp;
- Tư vấn cho các tổ chức và các doanh nghiệp trong việc lựa chọn giải pháp và sản phẩm CNTT phù hợp;
- Tiên đoán xu hướng phát triển của CNTT để đưa ra quyết định phù hợp cho tổ chức hay cá nhân;
- Phát triển phần mềm trên đa dạng nền tảng và phương pháp khác nhau;
- Quản trị các hệ thống CNTT.
Ngoài ra, các kỹ sư CNTT cũng có thể đảm nhận vai trò cán bộ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin hoặc giảng viên công nghệ thông tin. Hiện nay, phần lớn sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin đều có việc làm, nhiều kỹ sư có việc làm tốt trong các công ty, doanh nghiệp lớn về các dự án CNTT hoặc mở công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực phát triển các dự án hoặc các sản phẩm có liên quan đến CNTT.
Chương trình CNTT trình độ thạc sĩ đào tạo học viên những kiến thức chuyên sâu, trang bị kịp thời các tri thức công nghệ mới về CNTT tập trung vào các lĩnh vực: chuyển đổi số, quản lý dự án CNTT, công nghệ và quản lý kinh doanh điện tử, chính sách và quản trị an ninh mạng và các công nghệ mới như IoT, Blockchain,.... Bên cạnh kiến thức chuyên môn, học viên còn được rèn luyện các kỹ năng cần thiết để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ mới, có năng lực làm việc nhóm, làm việc hợp tác, có năng lực tự học, tự nghiên cứu, phản biện các vấn đề chuyên sâu thuộc lĩnh vực CNTT. Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ có đủ kiến thức để học lên tiến sĩ hoặc trở thành giảng viên, nghiên cứu viên, và các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao, chủ trì, thực hiện các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực máy tính và CNTT.
Về nghiên cứu
Giảng viên của khoa đã có kinh nghiệm chủ trì, tham gia, tư vấn, thực hiện chính hoặc phản biện cho nhiều đề tài các cấp, trong đó nhiều đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn. Điển hình, các giảng viên thuộc Khoa đã chủ trì và tham gia chính vào các đề tài nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, IoT, dữ liệu lớn, an ninh mạng,…. Hiện tại, một số đề tài đã được triển khai rộng rãi và áp dụng thực sự có hiệu quả vào thực tiễn. Ngoài ra, giảng viên cũng chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học hợp tác với địa phương tại Thành phố Cần Thơ và một số tỉnh thành khác trong khu vực… Nhiều bài báo/báo cáo khoa học đã được công bố trong các tạp chí, hội nghị uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus và danh mục bài báo tính điểm công trình của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Giảng viên cũng tham gia thực hiện nghiên cứu; hợp tác, hỗ trợ, tư vấn và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNTT với các đối tác ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Mục tiêu chính của Khoa CNTT đến năm 2030 là trở thành một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học về CNTT có uy tín, có vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, và chuyển giao công nghệ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam. Chương trình đào tạo không ngừng được mở rộng về quy mô và hình thức; luôn giữ tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA như đã được công nhận theo chuẩn của các trường đại học tiên tiến ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Khoa chúng tôi xin hoan nghênh mọi sự hỗ trợ và hợp tác từ các cơ quan, xí nghiệp, các công ty CNTT trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Quí vị - với tư cách là những người sử dụng lao động - hãy đến với chúng tôi, chia sẻ kinh nghiệm, nêu yêu cầu đào tạo và cùng tham gia trong quá trình đào tạo, đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo. Khoa chúng tôi cũng rất trân trọng và sẵn lòng hợp tác với Quý vị trong các hoạt động tư vấn, phát triển các dự án CNTT liên quan đến quản lý, giáo dục và các lĩnh vực khác.